Những sai lầm khi mình mới chạy bộ

Những sai lầm khi mới chạy bộ

Sau 2 tháng đầu chạy bộ theo phong cách khá là rón rén, đến khoảng cuối tháng 8, mình bắt đầu cảm thấy “sung” hơn.

Mùa thu đã đến, không khí buổi sáng thật mát mẻ, không còn cái cảm giác hầm hập như tháng 6, tháng 7 nữa. Mình lúc đó cũng đâu để ý gì về nhịp tim đâu, chỉ biết trời mát chạy sẽ dễ chịu hơn nhiều. Trong đầu bắt đầu nghĩ đến việc tăng khối lượng tập luyện lên.

So mình với chuyên gia

Cũng bởi hôm trước bắt chuyện với ông anh quay tay, có lẽ sáng nào cũng gặp và chào nhau nên vào câu chuyện cũng dễ. Ông anh bảo mình tuần ông chạy khoảng 100km, mỗi ngày chạy đều đặn 12km, cuối tuần longrun thì làm 2 vòng Hồ Tây xấp xỉ 30km. Trong khi đó mình một tuần chạy cũng chỉ được khoảng 30km là cùng.

Khi đó mình chỉ nghĩ đơn giản có lẽ ông anh chạy nhiều vậy nên mới lên level, mà quên béng luôn câu cuối là ông bảo ông chạy được mấy năm rồi. Vậy là chuỗi ngày bi kịch của mình bắt đầu.

Tăng khối lượng chạy quá nhanh

Trong vài buổi sáng sau đó, ông anh quay tay hướng dẫn mình một số thứ về điều chỉnh tư tế chạy, giảm sải chân, tăng guồng các kiểu. Thấy mình hay ngó đồng hồ, ông còn bảo vứt đồng hồ đi mà chạy :)) Lúc đó mình thấy ông anh cũng hơi dị, mà mình nghĩ dị dị thế này mới là thiên tài :))) nên mình bắt đầu điều chỉnh tư thế chạy theo tư vấn của ông anh.

Rồi sau đó là tăng quãng đường chạy hàng tuần lên khoảng 50km, mỗi ngày loanh quanh 5-7km và cuối tuần chạy dài hơn chút. Hôm nào đẹp trời thì làm phát HM.

Theo đuổi Pace thấp

Có đồng bọn chạy cùng vừa có lợi vừa có hại, ít nhất đối với mình là như vậy. Mỗi sáng mình hay chạy bám theo ông anh 2-3 km, có hôm quẩy đều chân chạy theo hẳn 5km với pace khoảng 4:00 đến 5:00. Ông anh thì luôn mồm cổ vũ, ông biết đâu tim mình toàn 180-190 thậm chí lên đến 200 nhịp/phút.

Mà má ơi, chạy pace thấp thế nhìn strava nó oách chứ. Đấy cả strava cũng vừa có ích vừa có hại chỗ này, khi mình háo thắng thì mình quên luôn mình là ai :))) mình đang ở đâu 😂. Chạy pace thấp xong toàn mấy thằng chiếu mới với nhau vào khen chạy ngon không à.

Mình đâu biết rằng chạy thế hại tim, hại khớp, hại gân cơ, hại toàn bộ :))

Nói chung là thiếu kiến thức

Cái kết là từ tháng 9 cho tới hết năm 2020, chấn thương bám mình như hình với bóng. Chấn thương nó diễn ra một cách từ từ, đau cân gan chân từ nhè nhẹ tới nằng nặng. Sụn gối của mình cũng mòn dần, tốc độ hồi phục của sụn không kịp tốc độ hao mòn.

Tốc độ chạy 5k, 10k của mình có tiến bộ, nhưng đối với chạy dài thì không có tiến bộ chút nào. Cơ bắp không quen hoạt động ở ngưỡng hiếu khí, mà chỉ quen làm việc trong ngưỡng kỵ khí, dẫn đến chạy dài thì nhanh cạn kiệt năng lượng và đau chân. HaLong Bay Heritage Marathon tháng 11/2020 mình cán đích với thời gian 5 giờ 49 phút. Về đến đích khi mà các bạn đã đi ăn trưa xong xuôi 😂😂😂

Mỡ bụng không giảm mấy dù chạy nhiều :)). Nghe phi lý nhưng hợp lý hết sức đấy các bạn ạ, cái này nó liên quan đến hệ thống chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Nôm na là cơ bắp hoạt động ở mức hiếu khí sẽ sử dụng oxi và chuyển hóa mỡ thành năng lượng để hoạt động. Còn ở mức kỵ khí sẽ chuyển hóa glucose trong cơ thể mà không sử dụng oxi.

Ưu điểm của hệ thống hiếu khí là duy trì được lâu, còn kỵ khí thì có ưu điểm là nhanh, mạnh nhưng thời gian duy trì lại ngắn. Mình chạy nhanh khi cơ thể chưa xây dựng tốt ở ngưỡng hiếu khí dẫn đến nó sẽ tự chuyển sang chế độ kỵ khí. Vì vậy mà mình chóng mệt và kiệt sức.

Chạy nhiều nhưng không đúng cách nên mỡ không hề giảm :))

Chưa kể mình đã bắt tim làm việc quá sức, cứ nghĩ chạy nhiều nhịp tim sẽ thấp. Nhưng không hề, nhịp tim nghỉ ngơi của mình luôn giao động từ 70-90.

Tất nhiên những điều này mình không hề biết ngay lúc đó. Chỉ sau này lúc bác sĩ bảo mình nghỉ chạy để phục hồi sụn gối chân trái thì mình mới xem xét lại và nhận ra. Cũng nhờ nghỉ chạy mà mình học được thêm nhiều kiến thức. Và mình đã bắt đầu tìm hiểu về chạy theo phương pháp MAF.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top