Những gì mình còn nhớ về “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Hikaru Murakami

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - Hikaru Murakami

Đây không phải là một bài Review, đánh giá về cuốn sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Hikaru Murakami. Bài viết này mình nhắc đến những thông tin, nội dung trong cuốn sách mà mình đã đọc từ năm ngoái. Nói chính xác hơn là những gì còn đọng lại, sau một năm, cộng thêm những ký ức của mình xung quanh quyển sách này.

Ý tưởng

Có thể những ký ức về những nội dung trong sách sẽ bị sai lệch (mà chắc chắn là vậy). Trí nhớ của con người luôn được tự bù đắp, thậm chí đôi khi thêm nhiều tình tiết phi lý. Giống kiểu những hình ảnh thời thơ ấu, đôi khi những chỗ trống lại được chèn vào, lấp đầy bằng những nguyên liệu, là những hình ảnh, âm thanh, tư tưởng chúng ta thấy ở đâu đó. Những nguyên liệu này có thể làm bức tranh nguyên thủy bị xấu đi, hoặc đẹp lên.

Nhưng nhìn chung, ký ức dù không hoàn hảo, nó vẫn đã được tạo ra. Giống như mình khi nhớ về quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, chắc chắn là phải có quyển đó trước, rồi mới có những ký ức hiện tại của mình về nó chứ.

Khi ý tưởng này nảy ra, mình ngồi trước máy tính và bắt đầu tính toán xem làm cách nào để có thể phản ánh ký ức hiện tại của mình một cách khách quan nhất. Đơn giản thôi là không cho nó ăn thêm nữa. Không tìm thêm nguyên liệu để đắp vào. Rồi cứ thế viết ra, xem nó sẽ đi đến đâu.

Mình sẽ không:

  • Đọc bất kỳ bài review nào
  • Xem lại cuốn sách (thực ra mình có mở ra để chụp lại cái bìa sách trên Kindle, và lướt qua phần giới thiệu được Hikaru Murakami viết vào tháng 8 năm 2007)
  • Hình ảnh còn lại trong bài viết được mình kiếm trên mạng.

Về cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”

Đây là một cuốn sách hiện thực trong cả đống sách siêu thực của Hikaru.

Lần đầu mình đọc sách của ông này là bộ 3 tập 1Q84, mình trấn lột được của con em ông cậu mình 2 tập. Do thấy cái tiêu đề là lạ. Mang sách về rồi mà mình cứ nhấc lên đặt xuống mãi không đọc được quá 100 trang đầu. Sau đó vứt xó, mãi về sau mới đọc lại và cuối cùng cũng lóc cóc ra hiệu sách mua tập 3 về đọc. Đối với sự đánh giá của mọi người thì quyển 1Q84 đã là quyển dễ đọc nhất của Hikaru. Lúc này mình mới thấy não mình ngu học thế nào.

Trở về với cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, thì cũng cơ duyên thế nào mình lại về nhà ông cậu hồi hè năm ngoái. Cuốn sách này là của con em nó mua về đọc. Mà con em này là con em khác, đứa thứ 3, đứa đầu tạm gọi là 1Q84 đi :)) lần này mình không xin đểu sách của nó nữa, nghĩ tội nó (thực ra mình search phát ra thấy trên mạng có ebook luôn – mình vẫn khuyến khích các bạn mua sách giấy mà đọc ủng hộ tác giả và nhà xuất bản nhé).

Đọc thử vài trang thì thấy cảm nhận là dễ đọc :)) không biến ảo và tối tăm như 1Q84. Thời điểm đó mình cũng đang bắt đầu ti toe chạy bộ nữa, nên thấy thật hấp dẫn.

Đau khổ là tự nguyện, đau đớn là không thể tránh khỏi

Trong đoạn mở đầu của cuốn sách, đây chính là câu nói để lại ấn tượng nhất đối với mình. Theo như Hikaru nói đây là một câu thần chú của một người chạy bộ nào đó đã nói lại với ông.

Đối với Hikaru, mỗi cuộc chạy Marathon là một lần đấu tranh với chính bản thân mình. Ông đã chạy rất nhiều cuộc đua, từ Marathon tới cự ly Ultra 100km. Có vẻ như những câu thần chú kiểu như vậy mỗi người chạy đều sẽ tự lẩm nhẩm trong đầu mình để vượt qua những lúc khó khăn nhất.

Cuộc sống đối với ông là một chuỗi những mục tiêu, một khi theo đuổi những mục tiêu đó, chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại và khó khăn. Phải chăng mỗi người cần có một câu thần chú phù hợp với bản thân, để trong những lúc yếu lòng, những lúc muốn bỏ cuộc, nó sẽ là kim chỉ nam cuối cùng dẫn dắt họ về đích?

Mỗi con người có về đích được hay không là do chính sự lựa chọn của họ. Chứ không phải do những khó khăn xuất hiện trên chặng đường đi.

Đau khổ là tự nguyện, đau đớn là không thể tránh khỏi

Mặc dù mình rất đồng ý với quan điểm của Hikaru Murakami, nhưng mình đã thử đọc câu thần chú kiểu vậy trong nhiều lần chạy và không đạt kết quả như ý. Đặc biệt những lần chạy một mình cự ly dài, target ban đầu là khoảng 30km, nhưng thường mình chỉ đạt xấp xỉ 21km thôi là nghỉ rồi.

Lý giải cho điều này, mình nghĩ có lẽ con lười bên trong mình nó cũng đã học được cùng một kiến thức giống mình. Và nó cũng có câu thần chú riêng của nó, mạnh hơn câu của mình, nên nó đã chiến thắng. Và mình sẽ chấp nhận điều này cho đến khi mình nghĩ được ra câu khác mạnh hơn nữa.

Hikaru Murakami bắt đầu chạy bộ ở tuổi 32

Ban đầu Hikaru cùng vợ mở một quán bar nhạc Jazz, trong lúc mọi người ai cũng khuyên bảo ông không nên mở như vậy. Nhưng sau đó quán nhạc Jazz này cũng trở nên phát đạt, khấm khá.

Điều này thì cũng khá nhất quán với phong cách và tư tưởng làm việc của Hikaru. Kiểu ông luôn nghiêm túc với mục tiêu đã đặt ra của mình. Rồi ông bắt đầu sự nghiệp viết văn sau khi xem một trận bóng chày (hay bóng bầu dục j đó mình ko nhớ rõ). Sau đó lại đến phen mọi người ngăn cản ông đừng bán quán nhạc Jazz, đừng theo nghiệp văn vẻ j đó. Nhưng không thể ngờ ông lại thành công trong lĩnh vực văn chương, ngay tác phẩm đầu tay đã đạt giải.

Ông kể, năm 32 tuổi ông bắt đầu chuyển sang một chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ sớm, ăn uống lành mạnh, dậy sớm chạy bộ mỗi ngày. Mọi người lại bắt đầu hỏi, kiểu nhà văn méo j phải chìm đắm trong sự phê pha, sống lôi thôi, dị dị mới đúng chứ =))

Hikaru chạy bộ đều đặn mỗi ngày, và ông ấy đã được chạy ở nhiều nơi

Cuốn sách sẽ dẫn bạn đến với những cuộc chạy Marathon của Hikaru. Chạy ở thiên đường nhiệt đới Hawaii, xen lẫn những cơn mưa, phong cảnh siêu đẹp. Chạy Ultra 100km quanh một cái hồ lớn (quên tên) ở Nhật. Chạy cung đường như băng qua sa mạc từ Athens tới thị trấn Marathone thần thánh. Phải công nhận ông này có điều kiện đi đây đi đó thật. Mỗi nơi ông ở vài tháng đến cả năm.

Haruki Murakami in Ala Moana Park, Honolulu, Hawaii. (Photo by Patrick Fraser/Corbis via Getty Images)

Mình vẫn nhớ chi tiết xác một con mèo chết ở trên đường chạy từ Athens tới Marathon. Đoạn này đúng kiểu Hikaru, hoặc do mình bị ám ảnh bởi những tác phẩm kỳ ảo và đầy tính triết lý khác của Hikaru nên mình nhớ nó lâu chăng?

Ngoài ra cùng quãng đường đó, cái đoạn mà ông tưởng tượng đến những cốc bia khi về đích cũng khá là phù hợp với mình. Duy chỉ có điểm khác là Hikaru bảo bia ở vạch đích không còn ngon bằng cốc bia trong tưởng tượng trên đường chạy. Đối với mình thì có lẽ do mình có điều kiện uống bia nhiều hơn Hikaru nên mình thấy cốc bia về đích ngon lắm.

Hikaru Murakami cũng bị Blue

Sau giải chạy Ultra 100km, ông cũng bị hiệu ứng chán chạy bộ, cũng giống mình thôi. Điểm này làm mình cảm thấy an ủi giữa một con người phi thường như Hikaru và một con người siêu cấp bình thường giống như mình.

Ưu điểm của mình là mình có thể đạt được trạng thái blue sau cự ly bất kỳ từ 5km đến 42km chứ ko cần đến 100k, và mình đạt được blue nhiều hơn hẳn Hikaru Murakami.

Khi chán chạy thì Hikaru đã chuyển sang luyện tập thêm bơi lội và đạp xe để thi đấu 3 môn phối hợp. Trong cuốn sách cũng có nói đến những lần ông thi đấu 3 môn phối hợp. Mình nhớ có đoạn ông ấy bị chơi đểu ở dưới biển, đối thủ khác cố tình va chạm để cản trở ông hoàn thành phần thi của mình.

Hikaru thường không nghĩ gì trong khi chạy

Có một điều mình thấy rất hay và nên học hỏi ở Hikaru, đó là ông thường xuyên không nghĩ gì trong khi chạy. Ông cố gắng để đầu óc trống rỗng. Đôi khi chỉ là một vài ý tưởng lóe lên trong đầu ông thôi, chứ phần lớn vẫn là trống rỗng.

Mình nghĩ cái này có lẽ giống kiểu thiền, và bản thân mình cũng luôn thích được chìm đắm trong sự trống rỗng thế này.

Nhưng có một điểm mình không thể làm được là Hikaru không bao giờ đi bộ một khi đã chạy, và ông không bao giờ nghỉ chạy bộ 2 ngày liên tiếp.

Cuối cùng

Mình cảm thấy rất may mắn khi được đọc cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Hikaru Mukarami. Mình thích đến nỗi đã đọc 2 lần, và nghe thêm một lần sách nói trong những lần trên đường đi làm.

Ban đầu khi bắt đầu viết bài này, mình nghĩ là sẽ không nhớ được nhiều, nhưng đến lúc mình lục lại theo thứ tự thì nhớ được ra rất nhiều chi tiết. Mà thôi, bỏ qua những chi tiết đó, không liệt kê nữa, vì điều đó giống với kể lại chuyện hơn. Dù sao trên đây là những điều mình nhớ nhất, sau một năm đọc cuốn sách này.

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ – phiên bản sách giấy

À, còn một chi tiết nữa. Hikaru Murakami luôn quan niệm rằng nếu ông thất bại trong một cuộc đua nào đó chỉ bởi vì 3 lý do duy nhất đó là luyện tập chưa đủ, luyện tập chưa đủ và luyện tập chưa đủ.

Điều cuối cùng ông muốn ghi trên bia mộ của mình:

Hikaru Murakami – nhà văn người chạy bộ – không bao giờ bỏ cuộc

2 thoughts on “Những gì mình còn nhớ về “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Hikaru Murakami”

  1. Trùi ui? Đỉnh cao review cũng là đây! Làm cho mình tò mò muốn đọc quá! Cảm ơn Sơn vì một bài review thật chất lượng nhé! 🙂

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top