Sống thanh thản như người Thụy Điển

Sống thanh thản như người Thụy Điển

Một bài chia sẻ rất hay của bạn Hà Nguyễn, mình may mắn đọc được trên facebook của bạn ấy bài viết giới thiệu về cuốn sách này. Mình đã xin phép bạn ấy để chia sẻ lại ở đây. Cảm ơn Hà rất nhiều!

Sống thanh thản như người Thụy Điển (the Gentle Art of Swedish Death Cleaning) by Margareta Magnusson.

What do I like about it?

Đây là lần đầu tiên mình đọc một quyển sách và cảm nhận sự nhẹ nhàng, thanh thản, và bình yên trong từng câu chữ. Sự chính chắn, trưởng thành, những trải nghiệm của cuộc đời bà như lan tỏa đến mình, và làm cho những ngày đọc sách của mình thật êm ả. Và mình rất biết ơn bà về điều đấy.

Thật sự là lúc bắt đầu, mình không chú ý lắm về nội dung bìa, chỉ thấy tựa đề “Sống thanh thản như người Thụy Điển” rất cuốn hút, và bản thân cũng đang tìm cách sống một cách nhẹ nhàng và thanh thản hơn… Thế là đọc và bắt đầu.

Đến khi đọc đến dostadning (death cleaning) thì hơi khựng lại… Đây có phải quyển sách dành cho mình không nhỉ? Nhưng rồi, đã bắt đầu thì sẽ tiếp tục thôi, như tất cả những gì mình vẫn làm, và mình luôn biết ơn bản thân về điều đó.

Dostadning

Đầu tiên, mình rất thích cái nhìn của Margareta về cái chết, nó nhẹ nhàng và bình yên đến lạ: “Tôi đang dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị trước cho ngày mình bước sang một hành trình mới…” vâng, chỉ là bước sang một hành trình mới.

Tôi đang dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị trước cho ngày mình bước sang một hành trình mới…

Thế nên, cuốn sách tràn đầy thông điệp lạc quan, hài hước, nhưng cũng rất thực tế. Ngay cả trong những câu chuyện buồn (ngày chồng bà mất), mình vẫn cảm nhận được chất nhân văn thấm đẫm trong từng câu chữ. Bởi bản chất con người là thích sở hữu, dostadning giúp bạn học cách buông bỏ.

Sắp xếp đồ đạc

Mình rất thích một ý trong chương “Khi trò giấu chìa khóa không còn vui.” Mọi thứ trong nhà đều có vị trí riêng, do đó, hãy sắp xếp và để nó đúng vị trí của mình… Khi cầm một món đồ trong tay và phân vân không biết nên đặt vào chỗ nào, bạn có thể nhận ra mình không hề cần nó.” Và đó là lúc mình nên dũng cảm buông bỏ nó đi.

“Sự khác biệt giữa dostadning và việc tổng vệ sinh nhà cửa nằm ở lượng thời gian. Dostadning không phải là chuyện phủi bụi hay lau chùi, mà là một hình thức sắp xếp cố định có thể giúp cuộc sống hàng ngày của bạn trôi chảy hơn.”

Là một người tương đối bừa bộn, mình như thức tỉnh khi đọc đến dòng: “Khi nói đến dostadning, việc sắp xếp đồ đạc trong nhà không hợp lí cũng đồng nghĩa với việc bạn đang sử dụng thời gian của người bạn yêu quý một cách bừa bãi và lãng phí. Dostadning, cũng là một cách bạn thể hiện tình yêu thương và sự thấu hiểu của bản thân dành cho những người mình yêu thương sau khi ta ra đi”.

Margareta đã chỉ ra rằng, có một thực tế là cùng một sự việc, nhưng kí ức của mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau, thế nên, đừng lưu luyến những món đồ mà không ai còn muốn giữ lại.

“Đôi khi, bạn phải cho đi những món đồ mà mình yêu quý và tin rằng chúng sẽ đến được với những người có thể tạo ra nhiều kỉ niệm mới cho món đồ đó.”

Mình cũng rất thích cách suy nghĩ đầy trách nhiệm về trái đất của bà.

“Xu hướng tiêu thụ không có chừng mực trong chúng ta … cuối cùng sẽ hủy hoại hành tinh của chúng ta…Đây là một lợi ích nữa của dostadning: suy nghĩ nhiều hơn về cách tái sử dụng, tái chế, và làm cho cuộc sống của mình đơn giản hơn, cũng như tinh gọn hơn một chút (hoặc nhiều). Sống tinh gọn là một sự giải thoát.”

Ngoài ra, hãy tập cho bản thân thỏa mãn với viêc chỉ nhìn ngắm đồ mà không mua (thật là khó để thực hiện)… điều này sẽ mang lại sự hài lòng và một thói quen tốt.

Bạn thật sự không thể đem hết mọi thứ bên mình, do đó, có thể sẽ tốt hơn khi cố gắng không sở hữu chúng. Nói về cái chết và sự li biệt, bà đã viết “để cho nhưng món đồ thân thương, con người và thú cưng ra đi khi không còn lựa chọn nào tốt hơn là một bài học vô cùng khó khăn… và đó là bài học mà cuộc sống vẫn tiếp tục dạy chúng ta càng lúc càng thường xuyên hơn.”

Margareta đã mượn ý của một bài thơ của Frans G.Bengtsson, một nhà thơ Thụy Điển mà chồng bà rất thích để nói về cuộc sống:

“Hải âu khi bay luôn biết tìm chỗ để nghỉ ngơi; nhưng trái tim con người, ràng buộc với sự sống trên mặt đất, không bao giờ có thể trải nghiệm sự bình yên đích thực khi còn sống.”

Mình đã rất xúc động khi đọc Câu chuyện về Klumpeduns – chú mèo hậu đậu luôn muốn quấn quýt bên chồng bà mỗi khi có thể, đặc biệt là khi đến đoạn chú mèo nằm buồn bã trên đống quần áo của ông sau khi ông đã mất. Và đến lúc này, khi đọc lại những dòng đấy, mình vẫn rưng rưng…

Margareta dành những chương cuối cho những đồ rất khó xử lí – ảnh, thư từ, đồ cá nhân, và tất cả những gì thuộc về kỉ niệm và cảm xúc của bà. Tuy nhiên, mình lại học được một vài điều rất hay từ những chương này.

Những tấm ảnh

Đầu tiên, mình rất thích ý tưởng tạo album ảnh cho con bằng cách cho con xem, lựa chọn những tấm ảnh con thích nhất, và để con tự bỏ vào album. Nhiều khi, chính con cũng sẽ là người ghi chú đằng sau tấm ảnh. Điều này, một lần nữa lại khẳng định một sự thật rằng kí ức của những người khác nhau về cùng một kỉ niệm có thể hoàn toàn khác nhau, do đó, hãy để con tự tạo ra kỉ niệm của mình, theo đúng cảm xúc của mình.

Margareta cũng rất thông minh khi tổ chức trò chơi gia đình bằng những tấm ảnh. Thật là một cách tuyệt vời để gợi nhớ kỉ niệm và gắn kết gia đình lại với nhau. Và đặc biệt với bà, trò chơi này giúp bà “bớt cô đơn, bớt quá tải và có nhiều niềm vui hơn. (bà) cũng không phải mang gánh nặng của tất cả những kí ức đó một mình, và bà sẽ ít bị mắc kẹt trong quá khứ hơn.”

Mặt khác, với cuộc sống hiện đại, chúng ta gần như lãng quên những tấm ảnh in… Phải đi ra tiệm in, đợi ảnh in, rồi đem về, tốn quá nhiều thời gian, chiếm quá nhiều chỗ… có rất nhiều nguyên nhân để chúng ta lựa chọn những tấm ảnh kĩ thuật số. Thế nhưng, mình vẫn thích cái cảm giác sờ lật từng trang album, đọc từng dòng ghi chú, cũng như mình yêu thích việc đọc sách, lật từng trang sách để cảm nhận chất liệu của giấy, và dừng lại để nhận vào mình từng cung bậc tình cảm của câu chữ.

Chiếc hộp bỏ đi

Chiếc hộp bỏ đi cũng là một ý tưởng rất hay cho những lá thư, đồ đạc cá nhân, những món đồ không có giá trị với người khác nhưng lại là vô giá với bạn.

Và một lời khuyên cực hay từ tác giả, là hãy chọn một chiếc hộp nhỏ, như hộp đựng giầy chẳng hạn. Không biết mọi người thế nào, nhưng mình thật sự vẫn đang đấu tranh với nét chữ gà bới và sự lười biếng trong thư từ của mình.

Thế nên mình rất ít khi viết thư tay. Và Margareta lại gợi lại cho mình những kí ức ngày xưa, ba mẹ, cô giáo mình đã rất vất vả để rèn nét chữ cho mình, bời viết chữ rõ ràng và cẩn thận là rất quan trọng.

Ngoài ra, bà cũng bàn đến thư cảm ơn. Thời đại tin nhắn, email tràn ngập, những lá thư, bưu thiếp đã dần vào quên lãng. Thế nhưng, “khi nghĩ đến công sức người ta đã bỏ ra để mua và gởi quà, và niềm vui ta có khi nhận quà, tôi nghĩ ai cũng thấy việc dành thoài gian viết thư cảm ơn là xứng đáng.” Một điều thật đáng suy ngẫm.

Càng đọc, mình càng hiểu vì sao Margareta nói rằng: “dostadning là việc cần thiết cho bạn và người đến sau. Với người dọn dẹp, niềm vui, cơ hội tìm kiếm ý nghĩa và các kỉ niệm là điều quan trọng nhất. Thật vui khi được xem lại các món đồ và giá trị của nó.

Ngoài ra, tái chế và quyên góp có thể giúp ích cho hành tinh chúng ta. Đồng thời, chia sẻ các món đồ của mình cho người cần dùng chúng – còn gì vui cho bằng việc ra đi và để lại niềm vui cho người khác.” Một cách nhìn thật chân thật và đầy tinh thần lạc quan.Margareta kết thúc quyển sách của mình bằng lời nhận xét Dostadning không phải chỉ tập trung và đồ vật… mà liên quan nhiều hơn về cảm xúc.

Bà cũng nhận ra rằng càng tập trung vào việc dọn dẹp, bà càng can đảm. Bởi trước khi quyết định sẽ làm gì với một đồ vật, bà đã có một khoảnh khắc hồi tưởng về sự kiện hoặc cảm giác – dù tốt hay xấu – và biết rằng đó là một phần cuộc đời mình.

Kết

Mỗi lần đọc sách, mình lại nhớ lại một câu nói mình đã từng đọc trên facebook. Đọc sách mở ra cho bạn một cánh cửa đến những vùng đất mới, được gặp và “thăm nhà” của tác giả… và điều tuyệt vời nhất, là bạn làm điều đó hoàn toàn trên thời gian của minh mà không làm phiền bất cứ ai. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng thật sự mình có cảm giác rất nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên mỗi lần đọc sách này – mình sống chậm hơn, bình tĩnh hơn và lạc quan hơn. Cảm ơn Margareta đã chia sẻ những trải nghiệm của bà về dostadning, về cách sống, cách suy nghĩ đầy hí hỏm, nhân văn, và quan trọng hơn hêt về một phần cuộc đời của bà.

Hà Nguyễn

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top